Tác động của con người Tương_lai_của_Trái_Đất

Biểu tình chống vũ khí hạt nhân tại Oxford vào năm 1980

Hiện nay (Thế Holocen) con người đóng một vai trò then chốt trong sinh quyển khi dân số loài người thống trị nhiều hệ sinh thái trên Trái Đất.[3] Điều này đã dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt quy mô lớn và đang tiếp diễn của các loài khác trong thế địa chất hiện tại, được đặt tên là sự kiện tuyệt chủng Holocen. Sự biến mất của các loài, 10% tính đến năm 2007, do tác động của con người gây ra được xem là một cuộc khủng hoảng sinh vật.[6] Với tốc độ hiện nay, có nguy cơ khoảng 30% các loài sẽ tuyệt chủng trong vòng 100 năm tới.[14] Sự kiện tuyệt chủng Holocen là hậu quả của môi trường sống bị hủy hoại, sự lan rộng của các loài xâm lấn, hoạt động săn bắn và biến đổi khí hậu.[15][16] Ngày nay, các hoạt động của con người cũng tác động rất rõ rệt tới bề mặt Trái Đất. Con người đã làm biến đổi hơn một phần ba bề mặt đất liền, đồng thời sử dụng khoảng 20% sản phẩm của hoạt động sản xuất sơ cấp toàn cầu.[4] Hàm lượng cacbon điôxít trong khí quyển đã tăng gần 30% kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.[3]

Một cuộc khủng hoảng sinh vật kéo dài được dự đoán là sẽ để lại hậu quả trong ít nhất 5 triệu năm.[7] Nó có thể dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học và sự đồng nhất hóa trong các vùng sinh vật, cùng với sự sinh sôi của các loài cơ hội như động vật gây hại và cỏ dại. Các loài mới cũng có thể sẽ xuất hiện; cụ thể là những sinh vật có khả năng phát triển trong các hệ sinh thái mà loài người thống trị sẽ nhanh chóng đa dạng hóa thành nhiều loài mới. Các vi sinh vật nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ môi trường giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên sẽ không có loài động vật không xương sống mới nào xuất hiện và các chuỗi thức ăn có thể sẽ bị rút ngắn.[5][17]

Nhiều kịch bản dựa trên những nguy cơ có khả năng tác động lên Trái Đất trên quy mô toàn cầu đã được đưa ra. Từ quan điểm của con người, chúng có thể được chia thành các nguy cơ sống sót được và các nguy cơ chết người. Những nguy cơ con người tự mang đến cho chính mình bao gồm biến đổi khí hậu, sử dụng sai công nghệ nano, thảm họa hạt nhân, chiến tranh với một siêu trí thông minh nhân tạo, một dịch bệnh do kỹ thuật di truyền tạo ra hoặc một thảm họa thí nghiệm vật lý. Tương tự như vậy, một vài sự kiện tự nhiên cũng có thể là những nguy cơ tận thế, bao gồm một dịch bệnh chết người, va chạm với một tiểu hành tinh hoặc sao chổi, hiệu ứng nhà kính và sự cạn kiệt tài nguyên. Ngoài ra Trái Đất cũng có thể bị một dạng sống ngoài hành tinh xâm chiếm.[18] Tuy nhiên việc tính toán khả năng các sự kiện trên xảy ra là rất khó nếu không muốn nói là bất khả thi.[8][9]

Trong trường hợp loài người tuyệt chủng, các công trình nhân tạo sẽ bắt đầu đổ nát. Những công trình lớn nhất có chu kỳ bán rã khoảng 1.000 năm. Nhiều khả năng các hố mỏ lộ thiên, các bãi tập kết rác lớn, các con đường cao tốc, các con kênh và các con đập đất đầm nén sẽ trở thành những công trình cuối cùng còn tồn tại. Một vài công trình khổng lồ làm bằng đá như các kim tự tháp Giza hoặc tác phẩm điêu khắc ở núi Rushmore có thể sẽ vẫn tồn tại sau một triệu năm nữa.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tương_lai_của_Trái_Đất http://datrach.blogspot.com/2004/12/s-phn-ca-v-tr.... http://www.digitaljournal.com/article/319494 http://books.google.com/books?id=-Jxc88RuJhgC&pg=P... http://books.google.com/books?id=IsKCaK9W0EwC&pg=P... http://books.google.com/books?id=KFdu4CyQ1k0C&pg=P... http://books.google.com/books?id=KTa-jBOBS5UC&pg=P... http://books.google.com/books?id=M8NwTYEl0ngC&pg=P... http://books.google.com/books?id=PRqVqQKao9QC http://books.google.com/books?id=mxb1IxSyu7wC&pg=P... http://books.google.com/books?id=sZgB52BCa0UC&pg=P...